Menu
0
Trang chủ » Tin tức»Tin Tức Pháp Luật» Các vướng mắc khi giải quyết việc Dân sự: “Tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự”

Các vướng mắc khi giải quyết việc Dân sự: “Tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự”

Tin Tức Pháp Luật

Bạn Trần Thị Xuân Thanh, Kiểm sát viên VKSND quận Sơn Trà, Đà Nẵng đang giải quyết một vụ án Dân sự có nhiều quan điểm khác nhau, muốn trao đổi và nhận được các ý kiến phản hồi của các đồng nghiệp và bạn đọc.

  Nội dung vụ việc:

           BàTrần Thị A và ông Nguyễn Văn B đăng kýkết hôn năm 1998. Trong quá trình chung sống, vợ chồng có 02 con chung là Nguyễn Văn C-SN: 1990 và  Nguyễn Văn D - SN: 2001.

Ngày 28/8/2013, bà A có Đơn gửi Toà án nhân dân yêu cầu “tuyên bố ông Nguyễn Văn B mất năng lực hành vi dân sự” vì cho rằngông B bị bệnh tâm thần và đề nghị Toà án công nhận bà Trần Thị A là người giám hộ đương nhiên của ông Nguyễn Văn B (ông B được hưởng chế độ trợ cấp tâm thần hàng tháng từ năm 2008 và ông B là người trực tiếp nhận tiền trợ cấp tại UBND phường X).

Đồng thời bà A có lập Giấy uỷ quyền ngày 28/8/2013, uỷ quyền cho ông Đoàn Văn M được liên lạc và làm việc với Toà án để thực hiện thủ tục tuyên bố ông B mất năng lực hành vi dân sự.

Ngày 06/9/2013 Toà án ra Thông báo thụ lý vụ việc.

Ngày 11/9/2013 Toà án ra Quyết định trưng cầu giám định số 17/2013/QĐ-TCGĐ về việc: “Trưng cầu Trung tâm giám định pháp y tâm thần Đà Nẵng thực hiện việc giám định: Tình trạng sức khoẻ tâm thần và khả năng nhận thức, thực hiện hành vi dân sự  của ông B”.

Ngày 13/9/2013, Trung tâm giám định pháp y tâm thần Đà Nẵng đã có Bản giám định pháp y tâm thần số 93/BB-TTPYTT kết luận: Ông  Nguyễn Văn B bị Tâm thần phân liệt thể Paranoid (F20.0). Vì vậy, hiện tại ông Nguyễn Văn B mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi dân sự.

Ngày 23/9/2013 Toà án ra Quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, ấn định thời gian mở phiên họp vào ngày 26/9/2013.

Đến ngày 25/9/2013 ông B có đơn khiếu nại (viết tay) gửi Chánh án TAND, Thẩm phán giải quyết vụ việc và Viện trưởng VKSND cùng cấp về việc: Toà án không gửi Thông báo thụ lý, Quyết định trưng cầu giám định, Kết luận giám định, Quyết định mở phiên họp cho ông B là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Ông B còn cho rằng kết luận giám định của Trung tâm giám định pháp y tâm thần Đà Nẵng là không đúng sự thật và đề nghị Toà án ra Quyết định trưng cầu giám định lại đối với ông, đồng thời đề nghị Toà án bác đơn yêu cầu của bà A. VKS đã mời ông B lên làm việc để làm rõ nọi dung khiếu nại, qua quá trình làm việc, tiếp xúc với ông B thì thấy ông B có khả năng nhận thức được các sự việc, có ý thức và điều khiển được hành vi của mình. Ngoài ra ông B còn trực tiếp khiếu nại vụ việc khác liên quan đến việc ông bị một người đàn ông đánh gây thương tích.

Do có đơn khiếu nại của ông B nên Toà án đã dời thời điểm mở phiên họp để giải quyết đơn khiếu nại của ông B.

Ngày 30/9/2013 Toà án ra Quyết định trưng cầu giám định lại, trưng cầu Trung tâm giám định pháp y tâm thần tỉnh Thừa Thiên Huế để giám định năng lực hành vi dân sự của ông B. Tuy nhiên ông B không chịu nộp tiền tạm ứng chi phí giám định lại bởi theo ông là do Toà án và Trung tâm giám định pháp y tâm thần Đà Nẵng đã làm sai, không tuân thủ đúng trình tự thủ tục tố tụng và đã ban hành kết luận giám định không đúng sự thật thì phải chịu trách nhiệm, ông không có trách nhiệm nộp tiền để giám định lại.

Với nội dung vụ việc nêu trên, hiện có 02 quan điểm khác nhau về 4 vấn đề trong quá trình giải quyết việc Dân sự, cụ thể:

1/ Toà án không đưa Nguyễn Văn C-SN: 1990 là con của bà A và ông B vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có vi phạm thủ tục tố tụng hay không?

Quan điểm thứ nhất:

Toà án không đưa Nguyễn Văn C vào tham gia tố tụng là không vi phạm thủ tục tố tụng bởi vì bà A chỉ yêu cầu Toà án xác định bà là người giám hộ đương nhiên của ông B mà không yêu cầu Toà án giải quyết về tài sản của ông B nên C không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc Dân sự này.

- Quan điểm thứ hai:

Toà án không đưa Nguyễn Văn C vào tham gia tố tụng là vi phạm thủ tục tố tụng bởi vì C là con của bà A và ông B, đã thành niên nên sẽ có quyền, nghĩa vụ liên quan khi giaỉ quyết việc yêu cầu tuyên ông B mất năng lực hành vi dân sự. Bởi vì C là người giám sát việc giám hộ theo quy định tại Điều 59 Bộ luật dân sự có trách nhiệm kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ…, trường hợp Toà án tuyên ông B mất năng lực hành vi dân sự, bà A là người giám hộ đương nhiên của ông B thì khi bà A muốn bán tài sản của ông B (có giá trị lớn) phải có sự đồng ý của C. Do đó phải đưa C vào tham gia tố tụng để C biết quyền lợi và trách nhiệm của mình.  

2/ Toà án không gửi các văn bản tố tụng cho người bị yêu cầu trong quá trình giải quyết việc tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự là có vi phạm thủ tục tố tụng hay không?

Quan điểm thứ nhất:

Khi giải quyết việc dân sự nói chung và việc tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự nói riêng, Toà án phải có trách nhiệm gửi các văn bản tố tụng cho người bị yêu cầu. Bởi vì:

Theo quy định tại Điều 311 BLTTDS thì: Toà án áp dụng những quy định của Chương này, đồng thời áp dụng những quy định khác của Bộ luật này không trái với những quy định của Chương này để giải quyết những việc Dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7 và 8 Điều 26 của Bộ luật này.

Vì vậy việc Toà án không gửi : Thông báo thụ lý việc, Quyết định trưng cầu giám định, Kết luận giám định, Quyết định mở phiên họp cho ông B là vi phạm thủ tục tố tụng.

- Quan điểm thứ hai:  

Khi giải quyết việc dân sự nói chung và việc tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự nói riêng, Toà án không có trách nhiệm gửi các văn bản tố tụng cho người bị yêu cầu bởi vì các quy định của BLTTDS về thủ tục giải quyết việc Dân sự không có quy định về việc Toà án có trách nhiệm gửi các văn bản tố tụng cho người bị yêu cầu. Hơn nữa thực tiễn từ trước tới nay, việc giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, Toà án đều không gửi các văn bản tố tụng cho người bị yêu cầu.

Vì vậy Toà án không vi phạm thủ tục tố tụng. 

3/ Yêu cầu của bà A có đủ điều kiện để tiếp tục thụ lý việc Dân sự hay không?

- Quan điểm thứ nhất:

Ngày 25/9/2013 ông B đã có đơn khiếu nại với nội dung: kết luận giám định của Trung tâm giám định pháp y tâm thần Đà Nẵng là không đúng sự thật và đề nghị Toà án ra Quyết định trưng cầu giám định lại về năng lực hành vi dân sự đối với ông, ông B đề nghị Toà án bác đơn yêu cầu của bà A về việc tuyên ông B mất năng lực hành vi dân sự, do đó giữa các bên đương sự đã phát sinh tranh chấp.

Trong khi đó theo quy định tại Điều 311 BLTTDS thì “việc dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp”.

Do đó không có đủ điều kiện để tiếp tục thụ lý yêu cầu của bà A về việc tuyên ông B mất năng lực hành vi dân sự theo thủ tục việc Dân sự.

Mặt khác, tại khoản 12 Điều 25 BLTTDS quy định những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án: “Các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định”.

Tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự quy định: “ Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”.

Như vậy trong trường hợp này, Toà án cần hướng dẫn đương sự rút đơn yêu cầu và ra Quyết định đình chỉ giải quyết việc Dân sự theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 192 BLTTDS đồng thời hướng dẫn đương sự làm thủ tục khởi kiện vụ án dân sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự, khoản 12 Điều 25 BLTTDS nếu bà A vẫn tiếp tục yêu cầu Toà án tuyên ông B mất năng lực hành vi dân sự. 

- Quan điểm thứ hai:

Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự đã được quy định tại Chương XXI Phần Thứ năm thủ tục giải quyết việc dân sự của BLTTDS, tại các Chương quy định về thủ tục giải quyết vụ án dân sự của BLTTDS không quy định về việc giải quyết tranh chấp tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.

Vì vậy việc Toà án tiếp tục thụ lý và giải quyết yêu cầu của bà Xí theo thủ tục việc Dân sự là đúng quy định tại Chương XXI Phần Thứ năm của BLTTDS. Trường hợp không có đủ căn cứ xác định ông B mất năng lực hành vi dân sự thì tuyên bác đơn yêu cầu của bà A, còn ngược lại thì tuyên chấp nhận đơn yêu cầu của bà A. 

4/ Ai là người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định lại theo Quyết định trưng cầu giám định số 18/2013/QĐ-TCGĐ ngày 30/9/2013 của Toà án, trưng cầu Trung tâm giám định pháp y tâm thần tỉnh Thừa Thiên Huế?

- Quan điểm thứ nhất:

Bà A là người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định lại vì bà A là người nộp đơn yêu cầu tuyên ông B mất năng lực hành vi dân sự, ông B không có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định vì ông B là người bị yêu cầu.

Quan điểm thứ hai:

Vì ông B không đồng ý với kết quả giám định ban đầu, ông B đã có đơn trưng cầu giám định lại nên ông B là người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định lại theo quy định tại Điều 136 BLTTDS. 

5/ Bản giám định pháp y tâm thần số 93/BB-TTPYTT ngày 13/9/2013 của Trung tâm giám định pháp y tâm thần Đà Nẵng có được xem là chứng cứ để giải quyết việc dân sự:

- Quan điểm thứ nhất:

Bản giám định pháp y tâm thần số 93/BB-TTPYTT ngày 13/9/2013 của Trung tâm giám định pháp y tâm thần Đà Nẵng không được xem là chứng cứ để giải quyết việc dân sự, bởi vì:

Điểm e Khoản 1 Điều 68 BLTTDS quy định người giám định có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

“ e) Không được tự mình thu thập tài liệu để tiến hành giám định, tiếp xúc với những người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến kết quả giám định…”.

Khoản 5 Điều 83 BLTTDS quy định: “Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định”.

Điểm đ Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định:

 “2. Để được coi là chứng cứ quy định tại Điều 81 của BLTTDS, thì việc xác định chứng cứ từ từng loại nguồn chứng cứ cụ thể như sau:…

đ) Kết luận giám định, nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục quy định của Luật Giám định tư pháp, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và hướng dẫn tại Điều 10 của Nghị quyết này”.

Khoản 3 Điều 10 của Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP quy định:

“ 3. Quyết định trưng cầu giám định phải được gửi cho các đương sự, tổ chức giám định tư pháp, giám định viên”.   

Trong khi đó, trong quá trình trưng cầu Trung tâm giám định Pháp y tâm thần Đà Nẵng thực hiện việc giám định năng lực hành vi dân sự của ông B thì Toà án đã cho phép bà A (người đại diện theo uỷ quyền của bà A) trực tiếp ký Hợp đồng, nộp tiền tại Trung tâm giám định Pháp y tâm thần Đà Nẵng . Như vậy Trung tâm giám định Pháp y tâm thần Đà Nẵng đã tiếp xúc với bà A (người đại diện theo uỷ quyền của bà A) là vi phạm điểm e Khoản 1 Điều 68 BLTTDS, ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận giám định.

Bênh cạnh đó Toà án không gửi Quyết định trưng cầu giám định cho ông B là vi phạm Khoản 5 Điều 83 BLTTDS, Điểm đ Khoản 2 Điều 3, Khoản 3 Điều 10 của Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Vì vậy, cho dù ông B không nộp tiền tạm ứng chi phí giám định lại theo quy định tại Điều 136 BLTTDS thì Toà án cũng không được căn cứ vào Bản giám định pháp y tâm thần số 93/BB-TTPYTT ngày 13/9/2013 của Trung tâm giám định Pháp y tâm thần Đà Nẵng để tuyên ông B mất năng lực hành vi dân sự.

Toà án cần hướng dẫn bà A nộp tiền tạm ứng chi phí giám định lại để làm căn cứ giải quyết việc dân sự. Trường hợp bà A không nộp tiền thì tuyên bác yêu cầu của bà A.

 - Quan điểm thứ hai:

Ông B không nộp tiền tạm ứng chi phí giám định lại theo quy định tại Điều 136 BLTTDS thì Bản giám định pháp y tâm thần số 93/BB-TTPYTT ngày 13/9/2013 của Trung tâm giám định Pháp y tâm thần Đà Nẵng được xem là chứng cứ để giải quyết việc Dân sự vì như trên đã phân tích Toà án không vi phạm thủ tục tố tụng khi không gửi các văn bản tố tụng cho ông B, việc giám định được thực hiện theo đúng quy định của Luật Giám định tư pháp và BLTTDS. Hơn nữa điều này cũng phù hợp vì ông B đã nhận được tiền trợ cấp đối với người tâm thần (ông B) từ năm 2008.

Vì vậy Toà án có đủ cơ sở để chấp nhận đơn yêu cầu của bà A và tuyên ông B mất năng lực hành vi dân sự.

 Vụ việc trên hiện có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Vì vậy tôi rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và bạn đọc.  

(Theo banbientapvienkiemsatdanang)

 

icon1 English

 

QUÝ KHÁCH CHỈ CẦN GỌI 0905.503 518 - 0914 500 518