Menu
0
Trang chủ » Tư vấn pháp luật khác»Tư vấn luật hình sự» Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép

Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép

Tư vấn luật hình sự

“Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” là một trong số 34 tội danh mới được quy định trong BLHS năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Đây là tội ghép nhiều tội danh, cụ thể quy định như sau:

Tại Điều 348 BLHS 2015 quy định:

“ 1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm. 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Đối với từ 05 người đến 10 người; d) Có tính chất chuyên nghiệp; đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Đối với 11 người trở lên; b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; c) Làm chết người. 

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Khách thể của tội phạm: Tính nguy hiểm của hành vi phạm tội được quy định tại Điều luật này được thể hiện ở chỗ, nó đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú ở Việt Nam; xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, làm giảm hiệu quả và hiệu lực quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú ở Việt Nam. Tội phạm này được quy định nhằm đấu tranh phòng chống các hành vi xuất cảnh, nhập cảnh, hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

Mặt khách quan của tội phạm: Điều 348 BLHS 2015 quy định 6 tội độc lập: Tội tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; Tội môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Mặt khách quan của tội phạm được thực hiện ở dạng hành động.

Tội tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép thể hiện là hành vi vì mục đích thu lợi bất chính đã chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy giúp người khác ra khỏi biên giới Việt Nam hoặc vào lãnh thổ Việt Nam không có giấy phép theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh. Có thể là hành vi lập kế hoạch, tổ chức, chỉ huy, lôi kéo, thu gom tiền vàng để mua sắm phương tiện, vật tư, lương thực, thực phẩm hoặc giấy tờ cần thiết cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, thực hiện các công việc khác cần thiết cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép với vai trò là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy nhằm đưa người khác đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đi vào lãnh thổ Việt Nam không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không có các giấy tờ theo quy định của Nhà nước về xuất nhập cảnh, như không có hộ chiếu, visa hoặc có nhưng không thị thực,… để thu lợi bất chính. Nếu việc tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép được thực hiện bằng việc sử dụng giấy tờ giả thì hành vi sẽ cấu thành hai tội: Tội tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

  • Tội môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép, được thể hiện bằng các hành vi, hình thức sau:

+ Vì mục đích thu lợi bất chính làm môi giới, trung gian, cầu nối theo yêu cầu của cả người xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép với người có khả năng tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép. Trong trường hợp này, người làm môi giới chỉ giới thiệu hai người này với nhau rồi họ tự bàn bạc, thỏa thuận với nhau các phương thức, cách thức, giá cả, … nhằm đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đi vào lãnh thổ Việt Nam không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thu lợi bất chính. Hành vi môi giới chỉ cấu thành tội phạm nếu người môi giới nhận thức được hành vi của mình là để hai bên thỏa thuận về việc cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép.

+ Vì mục đích thu lợi bất chính mà theo yêu cầu của người xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép hoặc của người có khả năng tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép, người môi giới trực tiếp đến gặp người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc người có khả năng tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép để thỏa thuận về các phương thức, cách thức, giá cả, … cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép.

  • Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép được thể hiện bằng mục đích thu lợi bất chính mà lập kế hoạch, tổ chức, chỉ huy, lôi kéo nhằm giúp người nước ngoài ở lại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam. Người có nhu cầu ở lại Việt Nam trái phép là khi nhập cảnh vào Việt Nam hợp pháp nhưng không rời khỏi Việt Nam theo thời hạn quy định.
  •  
  • Tội môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép: thể hiện ở hành vi dẫn dắt, làm trung gian cho người có nhu cầu ở lại Việt Nam trái phép với người có khả năng tổ chức người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép nhằm giúp người nước ngoài ở lại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam để thu lợi bất chính. Người có nhu cầu ở lại Việt Nam trái phép là khi nhập cảnh vào Việt Nam hợp pháp nhưng không rời khỏi Việt Nam theo thời hạn quy định.

Đối với loại tội này (tội tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép) sẽ gặp khó khăn, vướng mắc trong việc định tội danh đối với trường hợp một người có hành vi tổ chức, môi giới cho những người đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, không được cấp phép ở Việt Nam mà ở lại Việt Nam bất hợp pháp trong một thời gian thì có phạm tội tổ chức, môi giới người khác ở lại Việt Nam trái phép hay không? đây là vấn đề cần được hướng dẫn cụ thể (vấn đề này sẽ nêu rõ hơn ở phần sau).

Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội danh này là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm này thực hiện do lỗi cố ý có mục đích và động cơ vụ lợi. Dấu hiệu “vì vụ lợi” là dấu hiệu bắt buộc của loại tội phạm này. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vì vụ lợi, lợi ích cá nhân nên mong muốn thực hiện hành vi đó.

Luật sư hình sự

icon1 English

 

QUÝ KHÁCH CHỈ CẦN GỌI 0905.503 518 - 0914 500 518