Theo quy định tại Điều 167 BLTTDS thì Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự gửi trực tiếp tại Tòa án hoặc thông qua đường bưu điện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, Tòa án phải có một trong các quyết định : Thụ lý nếu thuộc thẩm quyền và trả lại đơn nếu không thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Khi xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án thông báo cho đương sự nộp tạm ứng án phí nếu họ hoặc quan hệ pháp luật được khởi kiện không phải là đối tượng được miễn hoặc không phải nộp tạm ứng án phí. Sau khi thụ lý vụ án, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.
Mặc dù theo Điều 164 và 165 BLTTDS thì người khởi kiện phải nêu rõ trong đơn khởi kiện những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và phải gửi kèm theo đơn khởi kiện các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp, nhưng trong thực tế giải quyết không phải mọi trường hợp đều đúng như quy định của pháp luật. Người khởi kiện có thể gửi tài liệu không đầy đủ, thậm chí còn có thể là tài liệu, chứng cứ giả mạo. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án phải thu thập chứng cứ không chỉ của nguyên đơn mà còn của bị đơn và những người tham gia tố tụng khác. Quá trình đó có thể xác định được đối tượng tranh chấp không có (hoặc không còn ) và bị đơn không phải là người quản lý. Khi gặp những trường hợp này, Tòa án cần giải thích cho đương sự rõ để họ có thể rút đơn khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ. Trường hợp họ không rút đơn thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử, bác đơn của nguyên đơn. Việc Tòa án xử bác đơn khởi kiện trong trường hợp này là do đương sự không đưa ra được những chứng cứ, không chứng minh được tài sản có tranh chấp hoặc người quản lý tài sản, Tòa án xử bác đơn, đương sự phải chịu hậu quả này. Trong trường hợp nêu trên, Tòa án thụ lý vụ án không sai quy định của pháp luật, người khởi kiện phải chịu án phí là phù hợp.